Sunday, 08/09/2024 | 09:29
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Giang
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỰ VĂN HÓA ĐỀN HUYỆN

DI TÍCH  LỊCH SỰ VĂN HÓA ĐỀN HUYỆN

Đền Huyện là một di sản văn hóa nổi tiếng của huyện Nghi Xuân, được các đời vua nhà Lý xây dựng trên một khu đất hơn 1 ha về phía Tây Nam xóm Chùa, xã Tả Ao cũ, nay thuộc xã Xuân Giang. Nơi đây trước kia là trung tâm giao dịch của Châu Hoan - Châu Cực Nam của nước Đại Việt lúc bấy giờ.

Đền Huyện còn có những tên gọi khác nữa là đền Vương Thánh, đền Lý Đại Vương. Theo truyền thuyết thì toàn bộ khu vực đền nằm gọn trong vườn của ông Bờ Ao - Một nhà địa lý nổi tiếng. Công trình là một quần thể gồm: Đền, chùa, văn miếu, bia, cổng,… được xây cất, tôn tạo dần dần đến những năm của thập kỷ thứ 4 thế kỷ XX mới hoàn chỉnh.

Khuôn viên đền có diện tích chừng 100 m x 100 m. Công trình xây dựng đầu tiên là miếu Vương Thánh thờ ông Tả Thánh, hiệu là Khuông Lộc đại vương, Tả Thánh có công nhiều lần đánh giặc, cuối cùng ông bị thương nặng trên mình ngựa. Dấu chân ngựa và máu của ông rơi ở nhiều nơi, nơi cuối cùng là trên một hòn đá to thuộc cụm rú Đụn (Hồng Lĩnh). Khi ông lên đến đó, quay nhìn lại dân làng rồi chết. Trên hòn đá này còn có dấu vết chân ngựa và dấu giọt máu. Miếu Vương Thánh được xây từ đời Lý Thái Tông (lên ngôi năm 1028) thờ Vương Thánh khi đặt hành dinh ở Châu Hoan năm 1036, cùng với công việc xây dựng các thành lũy.

Năm 1073, miếu Vương Thánh được tu sửa lại và xây dựng thêm viện Địa Tạng và cả bàn thờ có bài vị của vua Lý Thánh Tông ở trong miếu. Sát mặt trước của miếu là đền Tam Tòa thờ ba vị đại vương nhà Lý là: Dực Thánh đại vương, Đông Chinh đại vương và Uy Minh đại vương.

Hai vị đại vương Dực Thánh và Đông Chinh là hai hoàng tử được Lý Thái Tông tha tội phản trắc, được cử vào trấn thủ Châu Hoan lập công chuộc tội. Hai hoàng tử này vào đây khoảng năm 1028 đến khoảng 1036 thì xây dựng các công trình thành lũy ở Châu Hoan và cũng từ đó đổi tên Châu Hoan thành Nghệ An.

Đến khoảng năm 1038 Đông Chinh chết, sau đó ít lâu Dực Thánh cũng chết. Hai vị hoàng tử này có công xây dựng thành dinh Châu Hoan, đắp đê, chống giặc bảo vệ dân, nên được phong là đại vương. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thái Tông sai Uy Minh hầu Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, em vua Lý Thái Tông và cũng là em của Dực Thánh và Đông Chinh vào trấn thủ châu Nghệ An, tiếp tục sự nghiệp của các trấn thủ trước đó. Đến năm 1044 Uy Minh hầu Lý Nhật Quang có công lớn nên được vua Lý Thái Tông thăng lên tước Uy Minh vương. Như vậy là đền Vương Thánh, viện Địa Tạng cùng với đền Tam Tòa hợp thành Thượng điện thờ Vương Thánh, vua Lý Thái Tông và 3 vị Lý đại vương. Trước thượng điện là tòa nhà 5 gian lớn cột kèo chạm trổ lộng lẫy. Tòa này gọi là trung điện trong đó trưng bày, cất giữ những đồ tế lễ như trống, chiêng, cờ quạt, tán lọng, voi ngựa gỗ, tướng lĩnh gỗ, cáng võng, giáo mác gươm súng, thẻ cờ tướng…

Nối liền trung điện ra trước hạ điện có hai dãy nhà cầu ở hai bên để làm chỗ cho voi ngựa, lính đứng gác. Hạ điện gồm năm gian to lớn, rộng rãi. Đây là nơi họp các quan, tổng, lý và là nơi cử hành tế lễ.

Trước hạ điện là sân rất rộng trồng các cây cổ thụ như đa, ngô đồng, bàng, mưng, si, trúc, mai, bút… giữa sân là con đường kéo dài, đoạn đường này có hai bia đá do công của tiến sĩ Hồ Sỹ Dương và thám hoa Đặng Tịnh dựng năm 1677 để ghi tên của các vị tướng binh có công dẹp giặc giúp dân.

Phía Tây cách thượng điện chừng 5 m là đền Phụ Quốc để thờ Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt cũng có công vào Châu Hoan đánh giặc giúp dân.

Trước mặt đền Phụ Quốc là đền Ngục (không rõ đền này dựng để làm gì). Về phía Tây hai đền là ngôi chùa rất lớn, thờ Phật gọi là chùa Tháp.

Ở phía Đông Nam khuôn viên dưới bóng cây cổ thụ là ngôi nhà to rộng 5 gian gọi là Văn Thánh thờ Khổng Tử và cũng là nơi đón khách.

Phía Tây Nam có ngôi miếu nhỏ thờ thánh sư địa lý Tả Ao.

Cổng tam quan nằm về phía Nam của khuôn viên, cổng xây uy nghiêm bề thế.

Nơi đây, vào những ngày chuẩn bị cướp chính quyền tháng 8/1945 là nơi tập trung luyện tập của Mặt trận Việt Minh, Ủy ban Cách mạng Lâm thời của xã Tả Ao và trong những ngày cướp chính quyền của huyện và xã, đây còn là nơi tổ chức hậu cần cho lực lượng tự vệ.

Việc lễ được tổ chức theo định kỳ: Thượng, trung, hạ nguyệt, trung thu, xuống cấy, gieo giống, nhập kho, rửa tay, treo hái…

Thỉnh thoảng lại có lễ cầu đảo, cầu yên, tống Hoàng Sùng… chi phí cho các lễ đó đều do quỹ thu từ các công điền thổ. Ở xã Tả Ao có những cánh đồng rộng gần 20 ha như vùng cồn Trương, ruộng Huyện, chùa Tiên, Cửa Phủ, Bầu Lầu,… có hàng trăm mẫu phát canh để thu chi phí cho những công việc trên.

 Đây cũng là trung tâm của một vùng di tích cổ trên địa phận xã Tả Ao như khu Bãi Tập, khu Cồn Hậu, Cửa Lũy, Cửa Trại, Cửa Triều, Cửa Phủ, đồng Bọc, đồng Phố, chùa Tiên, chùa Văn Giác, chùa Hương, chùa Bà Đanh, đình Nghè, đồng Bầu, cồn Thượng, cồn Dinh.

Đền Huyện, được phục dựng trên nền móng cũ vào năm 2011, gồm có các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện, thượng điện, giải văn, giải vũ, hồ nước và các hạng mục khác. Đền Huyện được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 1800/QĐ-UBND, ngày 22/6/2019.

                               (Theo sách Di tích và danh thắng Nghi Xuân)


Tác giả: Ban biên tập

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 0
Tất cả : 8.733

Sự kiện Sự kiện