Di tích-Danh thắng-Lễ hội

Báo cáo khảo cổ di tích đền Minh Uy Vương Lý Nhật Quang

SỞ VH,TT&DL HÀ TĨNH
BẢO TÀNG TỈNH
______________________
                Số:           /BTT
V/v tổ chức khai quật khảo cổ học
                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                               Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
____________________________________________
                     Hà Tĩnh, ngày  01 tháng  12  năm 2017

                     
 
            Kính gửi:  
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND huyện Nghi Xuân;
- Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghi Xuân;
- UBND xã Xuân Giang, h. Nghi Xuân.
 
Thực hiện Quyết định số: 4635/QĐ-BVHTTDL ngày 30/11/2017 của Bộ VH, TT&DL về việc cho phép Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội khai quật khảo cổ tại di tích đền Huyện, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh xin báo cáo việc tổ chức khai quật, với các thành viên sau:
1. ThS Nguyễn Văn Anh, Giảng viên Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Chủ trì khai quật, trưởng đoàn.
2. ThS Trần Phi Công, Trưởng phòng Nghiên cứu-Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh; Phó đoàn.
Cùng các cán bộ của Phòng NC-ST, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và 28 Sinh viên năm thứ 4, khoa lịch sử, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
Thời gian từ ngày 01 tháng 12 đến ngày 30 tháng 12 năm 2017.
Địa điểm: đền Huyện, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.
(Đính kèm Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép khai quật khảo cổ học ).
Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh xin kính báo để các cơ quan, đơn vị được biết, đồng thời đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ đoàn thực hiện tốt chuyến công tác.
Kính mong được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp.
Trân trọng cảm ơn./.
 

Nơi nhận:                                         
- Như kính gửi;
- Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội;
- Phòng Quản lý DSVH;
- Giám đốc, Phó GĐ;
- Phòng NC-ST;
- Lưu VT.
                           GIÁM ĐỐC
 
 
 
 
 
                      Nguyễn Trí Sơn

 
 
 
 
CHƯƠNG TRÌNH BÁO CÁO KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU KHAI QUẬT
 DI TÍCH ĐỀN HUYỆN- XÃ XUÂN GIANG- NGHI XUÂN
-----------------------------------------
 
1. Ổn định tổ chức, thông qua chương trình:  đ/c Nguyễn Thị Hồng- Trưởng phòng HC-TH
2. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu: ThS Nguyễn Trí Sơn- Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
3. Báo cáo kết quả bước đầu khai quật đền Huyện: ThS Nguyễn Văn Anh- Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ trì khai quật.
4. Phát biểu của GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Phát biểu của ThS Nguyễn Cảnh Thụy- Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Tĩnh
6. Phát biểu của đại diện lãnh đạo huyện Nghi Xuân
7. Phát biểu của đại diện lãnh đạo xã 
 
 
  
 
 
BÁO CÁO KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU KHAI QUẬT DI TÍCH ĐỀN HUYỆN
(Thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)
 
I. MỞ ĐẦU
Di tích Đền Huyện xưa được gọi là đền Tả Ao, nơi thờ Minh Uy vương Lý Nhật Quang; lại có truyền thuyết, đền là nơi thờ ông Bờ Ao, tức Tả Ao thiền sư, nhà Phong thủy nổi tiếng dưới thời Lê Trung hưng. Đền được xây dựng trên một gò đất cao bên Hữu ngạn dòng Lam Giang, xưa thuộc xã Tả Ao, tổng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, nay thuộc thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, trong khu vực có tọa độ 18°39’39’’ Vĩ độ Bắc; 105°44’57’’ Kinh độ Đông.
Sách Đồng Khánh dư địa chí viết, mục Danh thắng huyện Nghi Xuân viết “Đền thiêng Tả Ao: ở xã Tả Ao, tổng Xuân Viên thờ thần Tam Tòa. Tra trong Tự điển, thần Tam Tòa là con thứ 8 của vua Lý Thái Tông[1]. Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị nhà Lê, Khuông quận công cho trùng tu và lập bia thờ có phần trang trọng. Đền này là ngôi đền thiêng trong bản huyện”[2]. Mặc dù là một danh thắng của Nghi Xuân nhưng trải qua những biến động của xã hội và thời cuộc, đền đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1976, dấu vết đền Huyện được các nhà khảo cổ học phát hiện. Năm 1990, các cuộc điều tra và thăm dò khảo cổ học được thực hiện tại đây. Kết quả thăm dò khảo cổ học tại Đền Huyện đã phát hiện nhiều loại hình di vật, trong đó có di vật gốm men và vật liệu kiến trúc thời Lý, Trần. Kết quả khai quật thăm dò cho thấy, Đền Huyện được khởi dựng từ thời Lý. Tuy nhiên tính chất, quy mô của Đền Huyện như thế nào thì cần thêm nhiều bằng chứng hơn nữa.
Sau hơn 40 năm phát hiện và gần 30 năm được điều tra, thăm dò, mọi nghi vấn về di tích này vẫn chưa được giải đáp. Thực hiện kế hoạch đào tạo ngành cử nhân Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Khoa Lịch sử và Bảo tàng Hà Tĩnh; được phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp khai quật di tích Đền Huyện. Cuộc khai quật nhắm đến các mục tiêu cụ thể như sau:
- Điều tra xác định phạm vi của di tích;
- Khai quật thăm dò xác định diễn biến địa tầng, tìm kiếm các di tích, di vật trên cơ sở đó tìm hiểu niên đại, tính chất và diễn biến của di tích qua các thời kỳ.
Trong quá trình điều tra, khai quật tại địa phương, đoàn công tác nói chung, Thầy và trò Trường Đại học Khoa học và Nhân văn đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của lãnh đạo xã Xuân Giang; thôn Hồng Tiến và đặc biệt là sự giúp đỡ ân cần, tình cảm trìu mến của bà con nhân dân thôn Hồng Tiến. Nhân đây Đoàn xin gửi lời cảm ơn chân thành và xin ghi nhận những tình cảm tốt đẹp đó.
II. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, KHAI QUẬT DI TÍCH ĐỀN HUYỆN
II.1. Đền Huyện qua các nguồn tư liệu và kết quả điều tra khảo cổ học.
Thư tịch sớm nhất hiện biết liên quan đến đền Huyện là tấm bia Trùng tu Tam Tòa đại vương linh miếu bi ký. Bia có niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1679) đời vua Lê Hy Tông, bia bị vỡ thành nhiều mặt, đã được lắp ghép và dựng lại trong khuôn viên của đền. Văn bia cho biết đây vốn là miếu thờ (Minh Uy) Đại vương gọi là Tam Tòa đại vương, dựng trên đất bằng xã Tả Ao, đến thời Lê Trung hưng đã bị đổ nát chỉ còn nền móng. Năm Đinh Tỵ, Thượng tướng quân Tham đốc Thần vũ Tứ vệ quân vụ sự Khuông lộc hầu Đặng Đình An đứng lên hưng công trùng tu, tôn tạo lại miếu. Bia này cũng được Đồng Khánh dư địa chí nhắc đến, theo Đồng Khánh dư địa chí thì đền được trùng tu năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị, tức năm 1677.
Theo Đồng Khánh dư địa chí cho biết, đền thiêng Tả Ao là một danh thắng của huyện Nghi Xuân. Theo ghi chép của Đồng Khánh dư địa chí có thể thấy bên cạnh gọi đền là Tam Tòa thì đền còn được gọi theo tên địa danh ghép với tính chất của đền, hay nói cách khác đền thiêng Tả Ao có thể được hiểu là: đền thiêng ở xã Tả Ao. Như vậy, với tình hình tư liệu hiên có, ta biết đền, từ trước năm Đinh Tỵ (1677) tại vị trí đền Huyện đã có các công trình kiến trúc, đây là nơi thờ Minh Uy vương Lý Nhật Quang, miếu gọi theo tên thánh của ông là miếu Tam Tòa. Thư tịch không cho chúng ta biết gì hơn về tính chất, quy mô cũng như niên đại khởi dụng của miếu.
Kết quả điều tra cho thấy, đền Huyện là một di tích có quy mô khá lớn, diện phân bố trên một không gian rộng lớn khoảng 1000m2, phía Bắc đến bờ Hữu sông Lam, hai phía Nam và Đông đến bờ Hữu của lạch đền Huyền (hói đền Huyện). Ở phía Bắc, nơi tiếp giáp với sông Lam, kết quả khảo sát những năm 90 cho biết, tại đây có nhiều đồ sành sứ. Hiện nay, mặc dù việc kè bờ sông, đào đầm nuôi thủy sản đã phá hủy tầng văn hóa song trong lớp đất còn thấy nhiều đồ gốm men, sành sứ có niên đại thời Trần và thời Lê sơ. Niên đại và tính chất phân bố của các di vật tại đây khiến một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng đền Huyện là một điểm nằm trong hệ thống cảng Hội Thống – Phù Thạch; Ở phía Đông, cách trung tâm đền ngày nay khoảng 100m vẫn thấy rất nhiều di vật gạch ngói, gốm men sành sứ có niên đại từ thời Trần đến thời Lê Trung hưng, trong đó đáng lưu ý tại khu vực giếng Tả Ao có khá nhiều mảnh bao nung, một dụng cụ quan trọng trong sản xuất gốm men. Hiện vật tập trung nhiều nhất là trong khu vực từ giếng Tả Ảo về phía Tây. Đây cũng là khu vực có địa hình cao hơn xung quanh từ 50cm-150cm. Hiện vật hết sức đa dạng phong phú gồm gạch ngói, gốm men, đồ sứ và đồ sành, trong đó nhiều nhất vẫn là vật liệu kiến trúc. Có thể dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của các loại vật liệu kiến trúc thuộc các thời Tùy Đường, Lý, Trần và thời Lê. Các di vật này phản ánh phần nào chiều sâu lịch sử của địa điểm này. Trên cơ sở kết quả điều tra, chúng tôi đã mở 3 hố khai quật (ký hiệu là H1, H2 và H3), nơi chúng tôi dự đoán vốn là Trung tâm của đền Huyện.
II.2. Kết quả khai quật tại H1
Hố khai quật số 1 (H1) hình chữ nhật, chạy dài theo chiều Bắc – Nam, diện tích 30m2 được mở trên phạm vi vườn sắn cách Hậu Cung đền hiện nay khoảng 100m về phía Bắc, cách đầm tôm phía sau đền khoảng 30m. Trên mặt đất khu vực này có nhiều ngói mũi sen và gốm men thời Trần. Tại đây, lớp canh tác dày trung bình 20-30cm trong lẫn hiện vật của nhiều thời, trong đó chủ yếu là di vật thời Trần. Ở độ sâu trung bình 30cm so với mặt đất là lớp gạch, ngói phân bố đậm đặc thành cụm trong đó chủ yếu là là ngói sen.
Ngói sen tìm được tại H1 gồm ngói lợp thân mái và ngói sen lợp diềm mái, chất liệu đất sét pha cát, màu đỏ, hồng đỏ. Không tìm thấy mảnh nào còn đủ dáng, tất cả đều là mảnh vỡ, ngói rộng trung bình 18-20cm, mũi sen hất cao, đuôi có móc gài. Ngói sen lợp diềm mái đầu hình đuôi én với phần giữa là cánh sen chính, hai bên là cánh phụ, trên lưng gắn lá đề cân trang trí hình rồng. Khác với lá đề cân cùng loại tìm thấy trong các di tích thời Trần ở vùng Bắc Bộ, lá đề cân trang trí rồng gắn trên ngói sen lợp diềm mái ở đây có hai loại, loại thứ nhất trang trí 1 hình rồng ở tư thế trườn từ trên xuống dưới, đầu ngẩng cao vờn cầu lửa, loại thứ hai là lá đề trang trí đôi hai rồng, vờn cầu lửa như thường thấy ở các di tích thời Trần ở vùng Bắc Bộ. Bên cạnh lá đề cân gắn trên ngói sen lợp diềm mái tại H1 cũng tìm thấy lá đề lệch hai mặt trang trí hình rồng.
Tại H1 cũng tìm thấy khá nhiều đồ gốm men, chủ yếu là bát, âu chân đèn thuộc các dòng men: men ngọc, men trắng, men nâu, gốm men trắng hoa lam. Gốm men ngọc số lượng không nhiều, đáng chú ý có một số mảnh bình 6 quai, bát trong lòng có con kê vuông, chân đế đặc,... là những sản phẩm tiêu biểu của gốm men thời thuộc Đường thế kỷ VII-IX; Dòng men trắng chủ yếu là bát có dáng hình cầu, thành còn tròn đều, miệng loe, trong lòng có con kê 5 mấu hoặc dấu xếp nung trực tiếp. Dòng men nâu có các loại bát hình phễu thành loe vát, trong lòng có dấu con kê 5 mấu; các loại âu hình cầu, đáy phẳng, trong phủ men trắng. Đây là những loại hình gốm men điển hình của thời Trần thế kỷ XIII.
Bên cạnh các loại hình vật liệu kiến trúc, gốm men tại đây cũng tìm được một số tiền đồng và xỉ sắt. Tiền đồng sớm nhất tìm được tại H1 là đồng Trị Bình nguyên bảo (治平元寶), đúc năm Trị Bình Long ứng (治平龍應 (1205-1210)) thời vua Lý Cao Tông (1186-1210); đồng có niên đại muộn nhất tìm được tại đây là đồng Minh Mệnh thông bảo (明命通寶) đúc dưới thời vua Minh Mệnh nhà Nguyễn (1820-1840).
Tại H1 cũng đã tìm thấy một số mảnh gốm giai đoạn sơ sử, chủ yếu là mảnh nồi, thân tròn, miệng loe, văn thừng. Sự xuất hiện của những di vật này ở đây cho thấy, có thể ngay từ những thế kỷ trước Công nguyên đền Huyện đã là nơi quần cư của, những nhóm cư dân này chắc hẳn có mối quan hệ với các cư dân Xuân An, Bãi Cọi, vv...
II.3. Kết quả khai quật tại H2.
Hố khai quật số 2 (H2) hình chữ nhật, diện tích 44m2, dài Bắc Nam 11m; rộng Đông – Tây 4m. H2 mở cắt ngang qua vị trí chuyển đổi địa hình thấp ở phía Nam và địa hình cao ở phía Bắc, Cách Tiền Đường hiện tại khoảng 30m về phía Tây, nơi tập trung rất nhiều gạch các loại, trong đó đáng chú ý, lẫn trong các loại gạch vỡ tại đây đã tìm thấy lá đề trang trí hình tháp, một số cấu kiện hình đấu, một bộ phận kết nối trong kiến trúc.
Ở độ sâu trung bình 20cm – 30cm so với mặt đất hiện tại, tại phía Bắc của hố khai quật đã phát hiện vết tích tường gạch đổ theo chiều Đông Bắc – Tây Nam và dấu vết tường này còn tiếp tục chạy về phía Bắc. Tường được xếp bằng gạch và các cấu kiện. Đáng chú ý, trong số cấu kiện đã phát hiện có cấu kiện có mặt cắt ngang hình chữ L, cao 36cm; rộng cạnh thứ nhất 32cm; cạnh còn lại rộng 16,5. Mặt ngoài của chân chữ L trang trí hình rồng. Rồng ở đây là loại “rồng giun” thân uốn khúc hình túi vải mềm mại, đầu ngẩng cao vờn cầu lửa; mặt ngoài cạnh dài để trơn, mặt trong có khắc 5 chữ Hán: Lục tầng tam thập lục (六曾三十六). Các chữ Hán này cho phép suy đoán đây là cấu kiện của một kiến trúc nhiều tầng và đây là cấu kiện thứ 36 thuộc tầng thứ 6. Cấu trúc, hoa văn trang trí và đặc biệt là các cấu kiện đấu củng đã tìm được ở khu vực này cho phép suy đoán đây là những cấu kiện của một tòa tháp và dấu vết tường đổ chính là phần tường của tòa tháp đó.
Bên cạnh cấu kiện này còn tìm thấy 2 mảnh cấu kiện có chữ khác, các cấu kiện bị vỡ, chữ được khắc ở mặt sau, mảnh thứ nhất có chữ: Ngũ ...(五...); mảnh thứ hai có chữ .... Ngũ (...五). Với quy luật ghi chú trên các cấu kiện có thể đoán mảnh thứ hai thuộc tầng thứ 5 và mảnh còn lại là mảnh thứ ...năm.
Dấu vết tường đổ và những cấu kiện tháp tìm được tại đây cho phép khẳng định, tại H2 có dấu vết một tòa tháp nhiều tầng được xây ghép bằng các modul đúc sẵn bằng đất nung. Cấu trúc, quy mô và đặc biệt là các ghi chú trên các cấu kiện cho phép suy đoán tháp có cấu trúc ít nhất là 9 tầng, quy mô có thể là tương đương với tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc).
Bên cạnh các cấu kiện tháp, H2 cũng là vị trí tập trung nhiều gạch chữ nhất màu xám, xương mịn, đanh, trang trí văn thừng; một số gạch múi bưởi. Gạch chữ nhật màu xám và gạch múi bưởi tìm thấy ở đây giống với gạch xây dựng tháp Nhạn (Nam Đàn, Nghệ An). Đây là những loại gạch tiêu biểu của thời thuộc Đường thế kỷ VII.
 II.3. Kết quả khai quật tại H3.
Hố khai quật số 3 (H3) hình chữ L, diện tích 97m2, hố dài theo chiều Đông Tây, cách H1 7m về phía Tây. Tại H3 đã phát hiện dấu vết bó nền, đường xếp ngói và các gia cố móng trụ.
Dấu vết bó nền và gia cố móng trụ xuất lộ dọc theo chiều dài của hố đào. Bó nền dài 20m và tiếp tục chạy về phía Đông. Bó nền được xếp bằng hàng gạch nghiêng, thân tường được xếp bằng gạch và ngói sen.
Có tổng cộng 11 dấu vết gia cố móng trụ đã được làm xuất lộ được ký hiệu lần lượt từ MT01 đến MT11. Các móng trụ hình vuông, kích thước trung bình 40 x40cm và 60x60cm, được đầm bằng gạch và ngói. Các móng trụ này thuộc về hai đơn nguyên kiến trúc khác nhau, trong đó các móng trụ có ký hiệu MT01, MT02, MT03, MT04 MT05 và MT06 thuộc về đơn nguyên kiến trúc thứ nhất (ký hiệu là KT01). Các móng trụ này cùng và bó nền tạo thuộc về kiến trúc KT01, cho thấy kiến trúc KT01 có giới hạn phía Bắc là phần bó nền đã xuất hiện, phần nền mở rộng về phía Nam. Sự phân bố của các móng trụ cho phép suy đoán KT01 nằm dài theo chiều Đông Tây, kết cấu nhiều gian, độ rộng bước gian trung bình là 390-410cm; khoảng cách từ mép ngoài bó nền đến tim cột ngoài (có thể là cột quân) trung bình 90-100cm; khoảng cách từ cột ngoài đến cột tiếp theo (có thể là cột cái) là 210cm. Với bước gian và khoảng cách cột như trên có thể thấy KT01 là một kiến trúc có quy mô khá lớn, với quy mô kiến trúc như vậy, chắc hẳn KT01 là kiến trúc quan trọng của khu vực đền Huyện.
Các móng trụ có ký hiệu MT07, MT08, MT09, MT10 và MT 11 thuộc về đơn nguyên kiến trúc thứ 2 (được ký hiệu là KT02). Cấu trúc của KT02 chưa rõ ràng, các móng trụ này cắt phá một phần vào móng trụ của của KT01, điều đó cho thấy KT02 xây dựng khi KT01 không còn nữa.
Dấu vết đường Hoa chanh Dấu vết đường Hoa chanh nằm phía dưới của bó nền KT01, bị bó nền và một số móng trụ của KT01 cắt phá, dấu vết còn lại gồm 04 ô. Mỗi ô có kích thước trung bình 40x40cm; cánh hoa được ghép bằng ngói theo kỹ thuật nêm cối. Như vậy các di tích xuất lộ ở H3 cho thấy ít nhất đã có 3 giai đoạn kiến trúc được được ở đây cho thấy quá trình phá hủy, tôn tạo của di tích này.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
III.1. Một số kết luận bước đầu
Thư tịch và văn bia cho thấy đền Huyện xưa được gọi là miếu Tam Tòa Đại vương và thường được gọi tắt là miếu Tam Tòa. Miếu còn được gọi là theo tên địa danh là miếu Tả Ao bởi miếu được xây dựng tại xã Tả Ao. Tam Tòa ở đây không có nghĩa là 3 tòa nhà như một số người giải thích mà Tam Tòa là Thánh hiệu của Minh Uy Vương Lý Nhật Quang.
Kết quả khai quật tại 3 hố khai quật đã phát hiện nhiều loại hình di vật gồm: vật liệu kiến trúc, gốm men, đồ sứ, đồ sành, gốm thô, tiền đồng, vv... có niên đại từ thế kỷ I-II trước Công nguyên đến thế kỷ XVII-XVIII. Sự xuất hiện của các loại gốm thô cho thấy ngay từ những thế kỷ I-II trước Công nguyên nơi đây là là một điểm tụ cư của cư dân thời sơ sử. Những phát hiện này cung cấp những manh mối cho việc nghiên cứu giai đoạn Tiền sơ sử khu vực Nghi Xuân, từ đó tìm hiểu và làm rõ đời sống văn hóa của các cư dân ở Xuân An, Bãi Cọi, đền Huyện và những thôn làng trù phú, nơi cư trú của các cộng đồng cư dân dọc bên hữu ngạn sông Lam thế kỷ I-II trước công nguyên.
Sự tập trung đậm đặc của các loại vật liệu kiến trúc thời Đường cùng nhiều loại hình đồ gốm men, trong đó có sự góp mặt của loại bình 6 quai cho thấy dưới thời thuộc đường tại đền Huyện đã từng tồn tại những công trình kiến trúc lớn. Sự xuất hiện của kiến trúc lớn tại đây dưới thời thuộc Đường cho thấy vị thế địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của địa điểm này trong khu lưu vực sông Lam. Và có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân các thời Lý, Trần và Lê sau này tiếp tục chọn và xây dựng các công trình kiến trúc ở đây.
Mặc dù chưa phát hiện được dấu vết kiến trúc thời Lý tại đây song cũng đã tìm thấy một số di vật thời Lý. Các dấu vết thời Trần đã được tìm thấy ở cả 3 hố khai quật cùng với rất nhiều loại hình di vật khác nhau cho thấy dấu ấn đậm đặc của thời Trần. Các kiến trúc tìm thấy ở H3 cho thấy thời Trần tại đây từng tồn tại các kiến trúc có quy mô lớn. Cùng với các loại hình di vật phát hiện tại H1 cho thấy các kiến trúc thời Trần tại đây được trang trí theo phong cách kiến trúc hoàng cung với các đề tài trang trí như hình rồng, lá đề,... thể hiện tính vương quyền và sự tư tưởng của Phật giáo.
Phát hiện dấu vết tháp tại H2 là phát hiện quan trọng nhất, mặc dù mới phát hiện một số cấu kiện của tháp nhưng di vật và đặc biệt là các ghi chú và họa tiết trang trí trên cấu kiện cho phép chúng ta tin rằng đây là một tòa tháp có quy mô khá lớn. Hai cấu kiện tháp của tầng 6 được phát hiện cho phép xác định, chiều cao phần thần tường của tầng thứ 6 tối thiểu là 72cm. Nếu tính cả chiều cao của phần áp mái bao gồm hệ đấu củng thì tầng 6 tối thiểu cũng phải có chiều cao trung bình 120-130cm. Niết bàn kinh cho biết, tháp thường có cấu trúc, 1,3, 5,7,9 hoặc 12 tầng. Các cấu kiện hiện biết thuộc tầng thứ 6, do vậy số tầng của tháp sẽ là 7, 9 hoặc 12.
Việc phát hiện kiến trúc tháp nhiều tầng tại đây là bằng chứng quan trọng cho biết dưới thời Trần, tại khu vực đền Huyện có quần thể kiến trúc chùa Tháp. Do vậy, nếu như việc thờ phụng Minh Uy vương Lý Nhật Quang được thực hiện tại đây ngay từ thời Lý thì đền tính chất của quần thể chùa tháp ở đây sẽ là cấu trúc “tiền Phật, hậu Thánh”.
III.2. Một số kiến nghị
Những cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích đền Huyện cần tuyên truyền và giải thích lại tên gọi của Đền cho đúng như kết luận của các nhà khoa học nhằm trả lại giá trị đích thực và phản ánh đúng tính chất của di tích.
Những khám phá của khảo cổ học tại đền Huyện cho thấy đền Huyện là một di tích hết sức quan trọng, trong lòng đất đền Huyện còn gìn giữ những bí mật về lịch sử cũng như giá trị văn hóa cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ. Do vậy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan của tỉnh cần quan tâm đầu tư nghiên cứu làm rõ các các giá trị của di tích này.
Việc nghiên cứu và làm rõ giá trị của di tích không chỉ cho biết lịch sử của di tích mà còn là cơ sở quan trọng xác định vị trí và vai trò của miền đất Hà Tĩnh dưới thời Lý, Trần. Tư liệu thu được qua các cuộc khai quật là cơ sơ quan trọng cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đền Huyện là di tích cấp quốc gia.
Với những giá trị còn ẩn chứa với lòng đất, bất kỳ việc xây mới nào cũng phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng và cần phải được khai quật khảo cổ trước khi tiến hành xây mới các công trình tại đây.
 
 


[1] Tam Tòa tức là Minh Uy vương Lý Nhật Quang. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Minh Uy vương Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Đồng Khánh dư địa chí chép nhầm là con thứ 8 của Lý Thái Tông. Dưới thời trị vì của vua Lý Thái Tông, Lý Nhật Quang là Chi Châu Nghệ An.
[2] Đồng Khánh dư địa chí. Nxb Thế giới (bản PDF), tr.1364. 

Tác giả bài viết: Ths: Nguyễn Văn Anh khoa lịch sử trường ĐHKHXH&NV đại hộc quốc gia Hà Nội.