KHU DI TÍCH UY VIỄN TƯỚNG CÔNG NGUYỄN CÔNG TRỨ
KHU DI TÍCH UY VIỄN TƯỚNG CÔNG NGUYỄN CÔNG TRỨ KHU DI TÍCH UY VIỄN TƯỚNG CÔNG NGUYỄN CÔNG TRỨ
KHU DI TÍCH UY VIỄN TƯỚNG CÔNG NGUYỄN CÔNG TRỨ
Nguyễn Công Trứ, tự Tồn Chất, hiệu Ngô Trai, biệt hiệu Hy Văn. Tuổi nhỏ còn có tên là Củng. Ông sinh ngày mồng 1 tháng 10 năm Mậu Tuất (tức ngày 19/12/1778) tại huyện Quỳnh Côi - tỉnh Thái Bình, nơi ông Nguyễn Công Tấn, thân phụ của ông làm tri huyện. Cụ Nguyễn Công Trứ mất ngày 14/11 năm Mậu Ngọ (17/2/1858) tại quê nhà làng Uy Viễn - huyện Nghi Xuân.
Ông là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, có đầy đủ phẩm chất của một người sáng tạo lịch sử.
Các đền thờ ông có ở Đông Quách (Tiền Hải - Thái Bình), Lạc Thiện (Kim Sơn - Ninh Bình) và ở quê nhà đã nói rõ lòng dân ghi nhớ công lao và sự nghiệp của ông.
Sự nghiệp của ông thật rõ ràng. Ông đã tạo dựng nên huyện Tiền Hải với 18.970 mẫu ruộng, 2.350 đinh, huyện Kim Sơn với 14.600 mẫu ruộng, 1.260 đinh và các tổng Hoàng Thu (Giao Thuỷ - Nam Định), Ninh Nhất (Nam Trực - Nam Định) với 4.200 mẫu ruộng, tất cả đông điền có quy hoạch thủy nông hoàn chỉnh. Đó là công lao của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Ông còn là một nhà thơ lớn, tương truyền ông có trên 1.000 bài thơ, nay mới sưu tập được khoảng 150 bài, tiêu biểu nhất là những bài hát nói mang phong cách riêng của ông. Đặc biệt ở ông là chí làm trai, dám xả thân, không ngại hy sinh gian khổ, không cam chịu cảnh sống tầm thường. Quyết làm được cái gì xứng đáng cho dân, cho quê hương, đất nước.
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Đền thờ, lăng mộ của ông ở quê nhà được Nhân dân Kim Sơn - Tiền Hải cùng con cháu dòng họ xây dựng từ năm 1868. Nhà thờ cách huyện lỵ Nghi Xuân chừng 200 m về phía Nam, cạnh tỉnh lộ 22. Khuôn viên đền bằng phẳng rộng hơn 2.000 m2 đã được xây tường bao quanh. Cổng có 2 cột nanh trên có nghê chầu, từ cột nanh vào khoảng 5 m là tắc môn cũng mới được tu bổ. Qua tắc môn là sân lát gạch nghiêng. Trước cửa đền thờ có sân nền cao gần bằng nền nhà thờ. Có lẽ xưa kia định xây bái đường nhưng chưa kịp làm. Nhà thờ 3 gian, hướng Nam có 2 vì kèo, cột đấu vuông, đều bằng gỗ lim, mặt sau và 2 đốc đều xây gạch kín, mái lợp ngói vảy. Mặt tiền có 4 trụ đứng đỡ chân mái, thân trụ phía trước có khắc câu đối:
Uy Viễn Bạch Đường bản chi bách thế
Hồng sơn, Lam thủy chung tú thiên niên.
Nghĩa là: Họ ở Uy Viễn cùng với dòng họ ở Bạch Đường đã được trăm năm. Vẻ đẹp núi Hồng sông Lam chung đức từ ngàn năm.
Gian giữa phía trong có 2 đôi câu đối:
Ngọc Mão Vân Trung phùng đại thụ
Kim Sơn Tiền Hải thiện cam đường
Nghĩa là:
Ngọc Mão Vân Trung lấp lánh dựa vào cây đại thụ
Kim Sơn Tiền Hải ngọt ngào nhớ người xưa.
Và:
Giang hồ lang hiến ưu ưu, cửu tử chi tinh thần nhật nguyệt
Biên quận triều đình trọng trọng, nhất sinh chi huân nghiệp sơn hà.
Với ý: Việc đời, việc nước ưu ái tận tụy cho tinh thần sáng tỏ như mặt trời mặt trăng. Biên quận triều đình trân trọng một đời cho sự nghiệp lớn lên của giang sơn, đất nước.
Chính diện chắn mái có bức đại tự “Nguyễn Công từ đường”. Trên đỉnh đại tự có bức quấn thư đắp nổi khá đẹp, bên trái là thanh gươm, bên phải là ngọn bút, mặt chính có 3 chữ “Trần Lưu Quân”. Cùng nằm trên mặt phẳng chắn mái, khoảng cách đều nhau từ trái sang phải có 4 trụ đứng. Hai đỉnh trụ phía ngoài đốc nhà có 2 con nghê dáng đẹp, vảy đắp bằng mảnh sứ xanh. Bờ nóc nhà thờ có lưỡng long chầu nguyệt. Nhà thờ trổ 3 cửa ra vào, cánh cửa bằng gỗ lim. Phía trên cửa bên trái có chữ “vô tư”, phía phải có chữ “chí công”.
Bên phải nhà thờ có nhà bia ghép bằng đá đen 4 mặt trên đó khắc 4 thứ tiếng (Việt - Anh - Pháp - Hoa) giới thiệu Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Do chiến tranh kéo dài và bão lụt nên đồ tế khí còn lại rất ít, chủ yếu là do con cháu mới mua sắm. Nhìn từ ngoài vào gian giữa có giá cắm biển, cờ, bàn gỗ, đèn, hương án sơn son thếp vàng. Phía trên có bức hoành phi với hàng chữ hán “Quân danh nghiệp đỉnh” (Danh tiếng ở đỉnh cao nhất). Bức sơn dầu thể hiện chân dung Nguyễn Công Trứ thông minh, cương trực và phúc hậu được trân trọng đặt ở chính giữa. Dưới ảnh có hàng chữ Dinh bình hầu tướng công.
Trong khuôn viên nhà thờ có Nhà hát ca trù, phía trong là sạp diễn và sạp ngồi của các “quan viên”, xếp theo hình chữ U.
Lăng mộ Nguyễn Công Trứ và phu nhân đặt ở vườn cũ của ông. Khi gần 80 tuổi, ông về quê, con cháu đã dựng cho ông 3 gian nhà tranh để ở và cũng là nơi con cháu đi lại trông nom phụng dưỡng. Tương truyền vị trí mộ hiện nay là nơi khi còn sống ông đặt giường nằm, lúc gần tắt thở, ông dặn con cháu: “Con cháu ta còn nghèo, khi ta qua đời không phải đình đám gì cả, nhấc cái nhà sang một bên và hạ huyệt đúng chổ giường ta nằm. Xong công việc, trồng cho ta một cây thông cạnh mộ là được”. Về sau con cháu đã làm theo lời cụ dặn. Mộ được xây lại vào năm 1918 (Khải Định Mậu Ngọ xuân kiến).
Khu vực lăng mộ ông đã được UBND huyện Nghi Xuân ký quyết định quy hoạch rộng khoảng 200 m2 . Hiện nay mặt Đông và Nam được xây hàng rào bằng gạch, phía Bắc và Tây là bờ cây xanh. Năm 1993, phòng Văn hoá Thông tin huyện tôn tạo lại, vẫn để nguyên vị trí. Cửa lăng từ phía Nam đi vào, mộ hình chữ nhật, đầu hướng phương Bắc, dài 2,2 m, rộng 1,1 m, phía trên vát kiểu mái nhà.
Trước đây, mộ bà chính thất để phía ngoài lăng, năm 1993 Phòng VHTT huyện xin ý kiến Bảo tàng tỉnh và đã đưa vào lăng. Hai bên cửa ra vào có trồng hai khóm tre ngà. Khu vực lăng đã được trồng cây xanh, nhưng vẫn còn quá đơn sơ, chưa được xây dựng tôn tạo cho xứng với công lao sự nghiệp của ông. Năm 2008, di tích và khu mộ ông được tu bổ, tôn tạo khang trang. Khuôn viên mộ đã mở rộng diện tích khoảng 3.000 m2 , xây bao 4 mặt và đặt xuyên hoa, lát gạch và xây 4 cột nanh bề thế.
Di tích nhà thờ Nguyễn Công Trứ được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia, Quyết định số 1548/QĐ-VH, ngày 30/8/1991.
(Theo sách Di tích và danh thắng Nghi Xuân)