Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Nghị định 68/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ
Sáng ngày 29/11/2024, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) với nội dung trọng tâm tuyên truyền và phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2024 của Chính phủ. Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại Hà Nội còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương (Trung tâm Công nghệ thông tin – Cơ yếu/Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính/Văn phòng Chính phủ; Vụ Tin học/Văn phòng Quốc hội;…); đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố phía Bắc và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ngành Cơ yếu Việt Nam. Hội nghị còn thu hút sự tham gia của hơn 6.300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, bao gồm các Tỉnh ủy, Thành ủy, Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy; các Sở, ban, ngành cùng các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số là xu thế tất yếu, khách quan, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó đều giao nhiệm vụ cho Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước, phát triển, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đặc biệt, ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về chữ ký số chuyên dùng công vụ, một công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Đăng Lực nhấn mạnh việc Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi để quản lý, cung cấp, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử; bảo đảm xác thực, an toàn thông tin trong việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã trình bày các nội dung quan trọng của Nghị định 68/2024/NĐ-CP gồm: Sự cần thiết ban hành Nghị định; Mục đích, quan điểm xây dựng Nghị định; Quá trình xây dựng Nghị định; Bố cục, nội dung cơ bản của Nghị định; Một số điểm mới của Nghị định; Kế hoạch triển khai Nghị định và Kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương.
Nghị định gồm 06 Chương, 43 Điều và Phụ lục. Cụ thể, Chương I quy định chung; Chương II quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Chương III quy định về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra hộ chiếu và thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; Chương IV quy định về sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Chương V quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; Chương VI quy định về điều khoản thi hành. Nghị định được xây dựng trên quan điểm kế thừa nội dung của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP (Chương VII) và tích hợp những nội dung của Thông tư số 185/2019/TT-BQP đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đánh giá cao việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong hoạt động hành chính hiện nay. Với sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp, trong thời gian tới, việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động hành chính các cấp sẽ thay đổi thời gian, cách thức làm việc trên văn bản giấy, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và cải cách hành chính.
Tác giả: Quốc An
Nguồn tin: Tạp chí An toàn thông tin